Sao người dùng phải đóng đủ cước Internet dù đứt cáp?

10/02/2023

Tôi không tự hào về việc 'giá Internet ở Việt Nam gần như rẻ nhất thế giới' khi mà cáp quang đứt liên tục, còn tiền cước vẫn đóng đủ.

Tôi không tự hào về việc 'giá Internet ở Việt Nam gần như rẻ nhất thế giới' khi mà cáp quang đứt liên tục, còn tiền cước vẫn đóng đủ.

4 trên 5 tuyến cáp quang biển cùng lúc gặp sự cố khiến tuyến cáp quang biển SMW-3 (25 năm tuổi, sắp bị thanh lý) trở thành sợi dây nguyên vẹn duy nhất kết nối 72,1 triệu người dùng Việt Nam với mạng lưới Internet toàn cầu. Câu chuyện đứt cáp quang Internet thực ra không phải hiếm ở nước ta vì năm nào cũng gặp sự cố. Thế nhưng, có lẽ chưa bao giờ tình hình trở nên tồi tệ như bây giờ. Với những người sử dụng Internet để làm việc mỗi ngày như tôi, đây rõ ràng là một điều khó chấp nhận, nhất là khi tiền mạng tháng nào cũng thu đủ, không được bớt một đồng.

Ai cũng hiểu đứt cáp quang biển là sự cố ngoài ý muốn, bất khả kháng, không ai muốn nó xảy ra cả. Dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, thì đứt cáp cũng không phải lỗi của các nhà mạng Việt Nam vì chúng ta cũng chỉ đi thuê lại đường truyền. Nhưng vấn đề tôi muốn nói ở đây là cách xử lý sự cố của các nhà mạng đến giờ vẫn là chưa thỏa đáng, khiến người dùng vô cùng bức xúc.

Từ năm 2007 đến nay, số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam đã tăng gấp bốn lần, nhưng hạ tầng mạng vẫn chẳng có gì khá khẩm hơn. Một năm có 12 tháng, đứt cáp tầm 4-10 lần, mỗi lần cần 1-3 tháng mới sửa xong. Chuyện người Việt phải chịu đựng Internet "rùa bò" xảy ra như cơm bữa. Ấy thế nhưng tiền đóng hàng tháng thì vẫn bị thu đủ.

>> Vòng luẩn quẩn đứt cáp - mạng chậm

Thuê bao tăng, lợi nhuận tăng, tại sao các nhà mạng không chủ động nâng cấp đường truyền hoặc thêm đường truyền mới? Tại sao nhà mạng ở Việt Nam cứ "bình chân như vại" để rồi mỗi lần đứt cáp lại "mong người dùng thông cảm vì sự cố bất khả kháng" và hứa hẹn "sớm khắc phục" (dù nhiều khi chưa khắc phục xong tuyến cáp này đã đứt thêm tuyến cáp khác)?

Nhìn ở góc độ vĩ mô, đây cũng là lý do chính khiến các doanh nghiệp nước ngoài không muốn đặt máy chủ ở Việt Nam mà chọn Singapore làm điểm đến. Với hạ tầng này, ngay cả các giao dịch thương mại, tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một sự cố khiến cả nền kinh tế bị tác động tiêu cực như vậy, nhưng sao sau hàng chục năm vẫn chưa có giải pháp nào khác ngoài việc "chờ sửa"?

Tôi không thấy tự hào chút nào về cái danh "giá Internet ở Việt Nam gần như rẻ nhất thế giới" khi mà đường truyền cứ chập chờn, cáp quang đứt lên đứt xuống, lại chậm trễ, bị động trong việc sửa như thế. Tôi sẵn sàng đóng tiền cao hơn để có một đường truyền ổn định cả năm thay vì vài tháng lại nghe tin cáp đứt, mạng chậm. Kỷ nguyên 4.0, không thể chấp nhận việc xem một video trên YouTube với chất lượng thấp nhất mà còn không load được.

Sao người dùng phải đóng đủ cước Internet dù đứt cáp?

Sự cố bất khả kháng nhưng nó đều như vắt chanh thì nên xem lại năng lực quản lý và xử lý sự cố của đội ngũ vận hành cáp. Đành rằng cắp cũng chỉ là chúng ta thuê, nhưng không thể bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị nước ngoài, trong khi chẳng có ràng buộc gì về thời gian khắc phục. Tiền thu đủ, các nhà mạng Việt cùng lắm cũng chỉ phải nghe phàn nàn từ người dùng chứ chẳng thiệt hại gì mấy. Trong khi đó, bao nhiêu phiền hà, bất tiện, hậu quả, thiệt hại đều do người sử dụng gánh chịu hết. Thực tế này rất khó chấp nhận.

Đừng lấy lý do "hợp đồng với nhà mạng đâu có cam kết tốc độ tối thiểu kết nối Internet quốc tế" để bao biện cho việc trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra sự cố đứt cáp và đẩy hết thiệt thòi về cho người sử dụng. Khi không đứt cáp, đường truyền ổn định, chuyện thu tiền cước chẳng có gì phải bàn. Nhưng khi có sự cố ảnh hưởng đến đường truyền, các nhà mạng cũng phải có giải pháp cụ thể: giảm cước hoặc tìm đường truyền thay thế để đảm bảo chất lượng dịch vụ mình cung cấp. Chứ đứt cáp cũng như không, vẫn thu đủ tiền cước hàng tháng, cứ xin lỗi và bắt người dùng chờ đợi trong mịt mờ, thử hỏi làm sao có thể thỏa đáng?

Recommended

VPS bị nhiễm virus/malware, tôi phải làm sao?

16/02/2022

Hướng dẫn đổi mật khẩu VPS/Server

10/05/2022

Các chức năng cơ bản quản lý VPS với LEV VPS Manager

15/05/2022

Internet Việt Nam mong manh thế nào?

10/02/2023